Theo kết quả quan trắc, phân tích môi trường nước và bệnh trên cá nước ngọt định kỳ từ ngày 19/9/2023 đến ngày 22/9/2023 ở 06 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trong ao (xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ; xã An Đức, huyện Ninh Giang; xã Cẩm Đông, huyện Cẩm Giàng; xã Hùng Thắng, huyện Bình Giang; xã Ngũ Hùng, huyện Thanh Miện và xã Hồng Hưng, huyện Gia Lộc) và 03 vùng nuôi cá lồng trên sông (xã Hà Thanh, huyện Tứ Kỳ; xã Nam Hưng, huyện Nam Sách và phường Văn An, thành phố Chí Linh) cho thấy một số chỉ tiêu quan trắc có giá trị vượt quy chuẩn cho phép (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt QCVN 02-22:2015/BNNPTNT và QCVN 02-26:2017/BTNMT, QCVN 08-MT:2023/BTNMT bảng 1 và mức B của bảng 3), cụ thể các chỉ tiêu được khuyến cáo khắc phục như sau:
1. Kết quả quan trắc Căn cứ vào kết quả xét nghiệm gồm 27 mẫu nước và 18 mẫu cá (09 mẫu cá rô phi và 09 mẫu cá chép, cá trắm):
- 19/27 mẫu nước với thông số N-NO2- có giá trị vượt ngưỡng giới hạn cho phép từ 1,38 – 25,6 lần tại tất cả vùng nuôi thủy sản tập trung.
- 19/27 mẫu nước với Hàm lượng COD có giá trị vượt ngưỡng giới hạn cho phép từ 1,05- 3,067 tại tất cả các vùng nuôi thủy sản tập trung.
- 27/27 mẫu nước với Hàm lượng TSS đều có giá trị vượt ngưỡng giới hạn cho phép từ 2,1-7,67 lần tại tất cả các vùng nuôi thủy sản tập trung.
- 12/18 mẫu nước phát hiện tảo độc với mật độ dao động từ 2.338 –82.999 cá thể/L trong các khu vực nuôi trồng thủy sản tập trung trong ao.
-10/27 mẫu nước với định lượng Coliforms có giá trị vượt ngưỡng giới hạn cho phép từ 1,08-60 lần tại các xã Hùng Thắng, Ngũ Hùng, Hà Thành, Nam Hưng, Hồng Hưng và phường Văn An.
- Không phát hiện vi khuẩn Streptococcus trên 27 mẫu nước.
- 27/27 mẫu nước đều không phát hiện các chỉ tiêu N-NH4+, H2S, Cd, Hg.
- 07/27 mẫu nước với thông số Pb nằm trong giới hạn cho phép và 20/27 mẫu nước không phát hiện chỉ tiêu Pb. - - ---- Không phát hiện Virus KHV, Bệnh xuất huyết mùa xuân, vi khuẩn Streptococcus trên các mẫu cá trắm, cá chép và không phát hiện Virus Tilv và vi khuẩn Streptococcus trên các mẫu cá rô phi.
- Các chỉ tiêu đo tại hiện trường: Nhiệt độ, độ trong, DO, pH, của tất cả các vùng nuôi thủy sản tập trung trong ao đều có giá trị nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn. Bên cạnh đó căn cứ vào kết quả xét nghiệm các thông số dùng để tính toán đánh giá chất lượng nước (WQI) theo Quyết định số 1460/QĐ-TCMT ngày 12/11/2019 của Tổng cục Môi trường. Vùng nuôi thủy sản tập trung trong ao xã Hồng Hưng, Ngũ Hùng và Hưng Đạo có chất lượng nước xấu; Vùng nuôi cá lồng trên sông xã Cẩm Đông huyện Cẩm Giàng và xã Hà Thanh huyện Tứ Kỳ có chất lượng nước tốt; các vùng còn lại có chất lượng nước bình thường.
2. Khuyến cáo
2.1. Đối với vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trong ao
Cần phải xử lý khử trùng nguồn nước ao lắng, lọc trước khi được cấp vào ao nuôi. Khử trùng nước bằng loại hóa chất được phép lưu hành trên thị trường để giảm mật độ coliform trong nước. Dùng máy sục khí, quạt nước, máy bơm nước nhằm tạo oxy từ không khí khuếch tán vào nước, giúp giảm hàm lượng N-NO2- và N-NH4+ trước khi cấp nước vào ao nuôi. Thay 20-30% lượng nước trong ao để giảm mật độ tảo độc có trong ao. Quản lý tốt nguồn thức ăn chăn nuôi và hạn chế xả thải trực tiếp xuống ao nuôi. Dùng vôi bột hòa tan tạt đều khắp ao vào buổi chiều mát nhằm để khử trùng nguồn nước, giảm mật độ vi khuẩn, ổn định pH trong ao với hàm lượng từ 2 - 4 kg vôi bột/100 m3 nước. Sử dụng các chế phẩm sinh học nhằm giúp tăng cường chuyển hóa các chất hữu cơ để giảm ô nhiễm ao nuôi, bổ sung vitamin C vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng.
2.2. Đối với vùng nuôi cá lồng bè trên sông
Cần phải tăng cường thường xuyên kiểm tra, vệ sinh lồng/bè, bố trí lồng/bè khoảng cách phù hợp, giới hạn mật độ nuôi thả thích hợp, kiểm soát lượng thức ăn dư thừa, chất thải đáy lồng/bè để tạo thông thoáng nhằm hạn chế cá chết do thiếu oxy cục bộ. Thường xuyên treo túi vôi, mùa xuất hiện bệnh 02 tuần treo một lần, mùa khác một tháng treo 01 lần. Vôi tác dụng khử trùng và kiềm hoá môi trường nước. Lồng, bè lớn treo nhiều túi và bè nhỏ treo ít túi tập trung chủ yếu chỗ cho ăn và phía đầu nguồn nước. Ngoài ra, có thể bổ sung thêm lượng vitamin B1, C vào thức ăn trước mùa bệnh với liều lượng từ 3-5 g/kg thức ăn, để tăng sức đề kháng cho cá. Trị bệnh cho cá có thể sử dụng chất kháng sinh được phép lưu hành trên thị trường. Cần thường xuyên, tăng cường kiểm tra hoạt động của cá nuôi, thả nuôi với mật độ phù hợp, không thả nuôi với mật độ quá dày.
Trên đây là thông báo kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường và bệnh trong nuôi trồng thủy sản tại các vùng nuôi thủy sản tập trung trên địa bàn tỉnh đợt 3 năm 2023.
PHÒNG THỦY SẢN