Sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ sinh vật hại cây trồng (sâu, bệnh, chuột, cỏ dại, ốc bươu vàng,....) vẫn đang là biện pháp chủ lực mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, nếu sử dụng thuốc BVTV không đúng cách thì có thể không có hiệu quả phòng trừ mà còn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Vì vậy, để việc sử dụng thuốc BVTV của người dân trên địa bàn tỉnh đảm bảo hiệu quả, an toàn, phù hợp với quá trình sản xuất trong điều kiện tình hình mới, Chi cục Trồng trọt và BVTV Hải Dương hướng dẫn như sau:
1. Chỉ sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ khi tỷ lệ, mật độ của sinh vật gây hại cây trồng phát sinh đến ngưỡng gây thiệt hại về kinh tế trở lên và còn đủ thời gian cách ly sau phun (nếu cây trồng vẫn còn khả năng cho thu hoạch) hoặc khi sinh vật gây hại cây trồng có nguy cơ bùng phát thành dịch mà các biện pháp phòng trừ khác không đảm bảo hiệu quả; hạn chế hoặc không sử dụng thuốc BVTV nhất là thuốc diệt cỏ ở những khu thường xuyên có hoạt động vui chơi công cộng, đường giao thông, các bờ vùng, ao gần với khu sinh hoạt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, khu sử dụng nguồn nước để sinh hoạt hoặc phục vụ chăn nuôi,...
2. Khi phải sử dụng thuốc BVTV cần tính toán lượng thuốc vừa đủ dùng cho lần phun đó, tránh tình trạng dư thừa dẫn đến phải lưu trữ thuốc ở trong hộ gia đình nhiều ngày. Trong quá trình sử dụng cần tuân thủ theo bốn nguyên tắc cơ bản sau (gọi là nguyên tắc “bốn đúng” trong sử dụng thuốc BVTV):
- Đúng thuốc: Cần chọn đúng loại thuốc được phép sử dụng để trừ đúng loại sinh vật gây hại trên đúng nhóm cây trồng cần bảo vệ, thuốc có trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam. Ngoài ra, lưu ý đến một số nguyên tắc khác, như: chọn loại thuốc không làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây ở giai đoạn xử lý (một số loại thuốc có thể làm ảnh hưởng đến cây nếu phun khi cây ở giai đoạn cây con, giai đoạn hoa nở, đậu quả,....); loại thuốc phải phù hợp với biện pháp xử lý nhất là khi sử dụng thiết bị bay để phun thuốc; thuốc có thời gian cách ly phù hợp để đến lúc thu hoạch sản phẩm phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; không sử dụng những thuốc mà nước nhập khẩu cấm hoặc cho phép dư lượng trong sản phẩm nông sản ở mức quá thấp cho những vùng trồng phục vụ xuất khẩu; nên ưu tiên chọn những thuốc thời gian cách ly ngắn, thuốc sinh học, thuốc thảo mộc để sử dụng trên nhóm cây rau, cây ăn quả, cây hoa, cây cảnh;...
- Đúng nồng độ, liều lượng: Cần pha, trộn thuốc đúng nồng độ và phun, rải đủ lượng thuốc đã pha trên một đơn vị diện tích cây trồng theo hướng dẫn trên bao bì, nhãn mác. Lưu ý, nếu dùng tăng nồng độ sẽ gây nguy hiểm cho người sử dụng, cây trồng, vật nuôi, môi trường và làm tăng chi phí; nếu dùng giảm nồng độ không những không tiêu diệt được sinh vật gây hại mà còn có nguy cơ làm cho chúng tăng tính kháng thuốc và bùng phát thành dịch; cần tính toán để pha lượng nước thuốc cho đảm bảo, tránh pha quá ít khi phun sẽ không đảm bảo phân bố đều trên diện tích cần phun, pha nhiều sẽ dẫn đến dư thừa, lãng phí.
- Đúng cách (pha, sử dụng đúng kỹ thuật): Cần thực hiện các bước pha, trộn thuốc theo đúng hướng dẫn trên bao bì. Lưu ý, không nên pha, trộn nhiều loại thuốc trong một lần phun; không pha chung thuốc có tính kiềm với thuốc có tính a xít,... trường hợp cần thiết phải pha phối trộn nhiều loại thuốc trong một lần phun thì khi pha nên cho những thuốc dạng hạt, dạng bột vào trước sau đó cho nước vào khuấy cho tan hết rồi mới tiếp tục cho thuốc dạng nước, dạng nhũ dầu vào sau.
Về kỹ thuật sử dụng (phun, rắc, tưới, ngâm hạt,..): Tùy mỗi loại thuốc mà hoặc cây trồng, sinh vật gây hại mà có các cách sử dụng (phun, rải, ngâm hạt..) khác nhau. Cần đảm bảo để thuốc tiếp xúc được với sinh vật gây hại, với cây trồng nhiều nhất. Ngoài ra, cần chú ý đến các yếu tố an toàn khi sử dụng như: khi phun thuốc bằng bình bơm đeo vai người phun cần phải đi xuôi hướng gió và hạ thấp vòi phun để hạn chế thuốc hắt bám vào người,..; trường hợp phun thuốc bằng thiết bị bay thì cần phải tính toán tốc độ gió, độ cứng của cây,... để điều chỉnh độ cao khi bay để hạn chế thuốc bay sang làm ảnh hưởng đến diện tích cây trồng lân cận hoặc không làm đổ, gẫy cây,...
- Đúng lúc: Cần xử lý (phun, rải,...) thuốc vào thời điểm mà sinh vật gây hại dễ bị tiêu diệt nhất và lúc cây trồng ít hoặc không bị thuốc làm ảnh hưởng. Nhìn chung, đối với sâu hại, nên phun thuốc vào thời điểm sâu non tuổi nhỏ; đối với bệnh nên phun ở giai đoạn đầu khi mới xuất hiện bệnh; nên phun vào chiều mát, ít gió để thuốc tiếp xúc bám dính tốt hơn trên bề mặt lá và hạn chế làm ảnh hưởng đến diện tích cây trồng lân cận, nhất là khi phun bằng thiết bị bay; hạn chế hoặc không phun thuốc lúc cây đang ra hoa, nở hoa; không phun thuốc vào thời điểm sắp thu hoạch (nếu thời gian cách ly không đảm bảo);....
3. Cần thực hiện tốt các biện pháp an toàn trước, trong và sau quá trình pha, xử lý (phun, rải) thuốc, như:
- Chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ để phục vụ việc pha, phun thuốc (kìm, kéo, xô, gáo múc nước, cốc đong, que khuấy thuốc, dụng cụ đảo thuốc,...)
- Kiểm tra kỹ hoạt động bình phun, thiết bị phun trước khi phun.
- Đọc kỹ hướng dẫn cách pha, trộn thuốc trên bao bì trước khi pha thuốc.
- Khi pha thuốc cần tráng rửa chai lọ, bao gói chứa thuốc nhiều lần để làm sạch lượng thuốc đọng, bám trong vỏ chai lọ, bao gói nhằm tận dụng thuốc và hạn chế ô nhiễm môi trường do vỏ chai lọ, bao gói thuốc BVTV gây ra sau khi phát thải ra môi trường.
- Xử lý thuốc thừa, nước tráng rửa bình: Cần tính toán pha thuốc đủ phun tránh tình trạng thừa. Thuốc đã pha thừa hoặc nước tráng rửa bình nên đổ vào trong ruộng vừa mới phun thuốc, tuyệt đối không đổ thuốc thừa, nước tráng rửa bình xuống nguồn nước, nhất là nước phục vụ chăn nuôi, sinh hoạt,.. đối với thuốc trừ cỏ nên tận dụng để phun lên những khu cỏ hoang; ở những vườn cây ăn quả nên có hố cát chuyên dụng để súc rửa dụng cụ phun thuốc, đổ thuốc dư thừa.
- Trong quá trình thực hiện pha, xử lý (phun, rải) thuốc cần phải mang đầy đủ trang bị bảo hộ (kính mắt, khẩu trang, găng tay, ủng, áo bảo hộ,..) và tuyệt đối không ăn, uống, hút thuốc,..
- Rửa sạch dụng cụ, thiết bị phun và tắm rửa, đánh răng ngay sau khi kết thúc các hoạt động pha, phun, rải thuốc; trường hợp thừa thuốc cần được bảo quản cẩn thận ở khác kho chứa vật tư, dụng cụ sản xuất, xa tầm tay với trẻ em và có ghi cảnh báo chất độc hại nguy hiểm.
4. Sau khi phun, rải thuốc xong cần cắm biển cảnh báo ở những diện tích mới được phun thuốc để người dân biết, nhất là những diện tích trồng cây ăn quả; ghi chép quá trình phun thuốc vào sổ nhật ký sản xuất; thực hiện thu dọn sạch vỏ bao bì, chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng về để đúng nơi quy định của địa phương. Tuyệt đối không tái sử dụng hoặc tái chế vỏ bao bì, chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng. Do vỏ bao bì, chai lọ thuốc BVTV là loại rác thải rắn độc hại nên cần được thu gom, phân loại và để trong các thùng, bể chứa riêng (bể chứa vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng). Việc xây dựng, lắp, đặt bể chứa vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng cần đảm bảo tối thiểu một số yêu cầu:
- Bể cần phải làm bằng vật liệu bền chắc, có khả năng chống ăn mòn, không bị rò rỉ, không phản ứng hóa học với chất thải chứa bên trong; có khả năng chống thấm (có thể xây bằng gạch hoặc làm bằng bê tông,...).
- Bể cần được thiết kế đảm bảo không bị gió, mưa làm xê dịch, hạn chế nước lũ tràn vào bên trong, phù hợp với địa điểm đặt bể, thuận tiện cho việc di chuyển, đưa rác vào, lấy rác ra,...(có thể thiết kế bể theo dạng hình ống hoặc hình khối chữ nhật, dung tích bể chứa khoảng 0,5 - 01 m3, có nắp đậy kín chắc chắn, không bị gió làm xê dịch và không để nước mưa chảy vào trong bể, bên thành bể có ô cửa nhỏ có cánh đóng mở dễ dàng để dưa vỏ thuốc vào,...); bên ngoài bể có ghi dòng chữ “Bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng” và biểu tượng cảnh báo nguy hiểm về chất thải nguy hại.
- Cần đặt bể tại các vị trí thích hợp, dễ nhận biết, không bị ngập lụt, gần điểm pha chế thuốc và không làm ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, khu dân cư, giao thông và mỹ quan nông thôn.
- Tùy thuộc vào đặc điểm cây trồng và mức độ sử dụng thuốc BVTV, số lượng bể chứa phải đảm bảo chứa đựng hết bao gói, chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng trong một vùng đất canh tác nhất định. Thường cứ 03 ha đất canh tác cây trồng hàng năm hoặc 10 ha đất canh tác cây trồng lâu năm có sử dụng thuốc BVTV thì cần phải có 01 (một) bể chứa. Khi bể đầy rác cần được lấy đi xử lý tiêu hủy theo quy định. Không nên đốt hoặc chôn lấp cùng rác thải sinh hoạt khác./.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.