Theo kết quả quan trắc môi trường phục vụ vùng nuôi lồng và nuôi cá rô phi tập trung của Trung tâm quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc, quan trắc định kỳ vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại xã Đoàn Kết, huyện Thanh Miện và vùng nuôi cá lồng xã Nam Tân, huyện Nam Sách và xã Nam Đồng, TP Hải Dương, kết quả quan trắc cụ thể như sau:
1. Vùng nuôi cá lồng xã Nam Tân, Huyện Nam Sách và xã Nam Đồng, TP Hải Dương
- Mật độ Coliform tổng số và hàm lượng N-NO2 trong nước vùng nuôi xã Nam Tân và Nam Đồng lần lượt cao hơn từ 34,4-37,6 lần và 2,7 – 3,1 lần so với QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Các thông số nhiệt độ, pH, DO, N-NH4, P-PO4, H2S, COD, TVPD, Streptococcus tổng số có giá trị nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép. Không phát hiện tảo độc trong nước vùng nuôi.
- Chỉ số chất lượng nước (WQI) ở vùng nuôi Nam Đồng và vùng nuôi Nam Tân ở mức xấu khi tính theo quyết định 1460/QĐ-TCMT của Bộ TNMT.
2. Vùng nuôi cá rô phi tập trung tại xã Đoàn Kết, Thanh Miện
- Điểm quan trắc Sông Cửu An: Mật độ Coliform tổng số và N-NO2 cao hơn 3,7 lần và 1,7 lần so với ngưỡng giới hạn cho phép theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT.
- Điểm quan trắc Đặng Văn Tuyền và Nguyễn Văn Biểu: Ao nuôi cá rô phí có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ, hàm lượng N-NO2, COD, chlorophyll-a và Coliform cao hơn so với ngưỡng giới hạn cho phép theo QCVN 02-22:2015/BNNPTNT và QCVN 08-MT:2015/BTNMT.
Phát hiện 2 loài tảo lam Microcystis aeruginosa và Microcystis wesenbergii trong nước ao nuôi với mật độ từ 5.319.303 – 7.990.196 tế bào/lít. Không phát hiện vi khuẩn và vi rút TiLV trong mẫu cá rô phi.
3. Khuyến cáo
3.1. Vùng nuôi cá lồng xã Nam Tân, huyện Nam Sách và xã Nam Đồng, thành phố Hải Dương
Kiểm tra và điều chỉnh lượng thức ăn, tránh dư thừa làm ô nhiễm môi trường nuôi, vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ và thông thoáng để lưu thông nước trong và ngoài lồng, nhằm tăng cường oxy hòa tan trong nước, giảm vật bám, chất bẩn ở trong lồng. Treo túi vôi bột ở góc lồng phía đầu dòng chảy, mỗi lồng treo 1 – 2 túi, mỗi túi chứa 2 – 3 kg vôi bột để giảm mật độ Coliform, phòng bệnh cho cá. Bổ sung Vitamin B1, C vào thức ăn với liều lượng 3-5 g/kg thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá.
- Điểm quan trắc sông cửu An: Các cơ sở nuôi cần bơm nước vào ao lắng/lọc qua túi lọc, khử trùng nước bằng các hoá chất được phép lưu hành trên thi trường để giảm mật độ Coliform trong nước và chạy quạt khí để tăng cường oxy hoà tan, giảm N-NO2 vtrước khi cấp vào ao nuôi.
3.2. Vùng nuôi cá rô phi tại xã Đoàn Kết, Thanh Miện
- Môi trường nước ao nuôi đã được cải thiện so với đợt quan trắc trước, tuy nhiên các cơ sơ nuôi cần tiếp tục thực hiện một số biện pháp để nâng cáo chất lượng nước ao nuôi như sau:
- Thực hiện một số biện pháp để khử trùng nước và thay nước ao nuôi để giảm mật độ tảo trong ao nuôi. Đinh kỳ dùng vôi bột hòa tan tạt đều khắp ao vào buổi chiều mát để khử trùng nguồn nước và ổn định pH, khử trùng nước trong ao với hàm lượng 2 - 4 kg vôi bột/100 m3 nước đồng thời sử dụng các chế phẩm sinh học để làm sạch ao nuôi. - Tăng cường máy quạt nước vào ban đêm để tăng hàm lượng oxy hòa tan trong ao để tránh thiếu oxy vào ban đêm và sáng sớm do tảo phát triển mạnh.
- Bổ sung Vitamin C vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá với liều lượng 3 g/kg thức ăn để tăng cường sức đề kháng.
PHÒNG THỦY SẢN