Lĩnh vực chuyên ngành
KẾ HOẠCH SẢN XUẤT VỤ MÙA 2012 VÀ VỤ ĐÔNG 2012 - 2013
30/09/2020 09:52:55

KẾ HOẠCH SẢN XUẤT VỤ MÙA 2012 VÀ VỤ ĐÔNG 2012 - 2013

Phần 1

KẾT QUẢ SẢN XUẤT VỤ ĐÔNG

Sản xuất Vụ đông 2011 - 2012 gặp rất nhiều khó khăn. Thời vụ chậm khoảng 10-15 ngày so với bình thường mọi năm. Thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều nhất là đầu vụ và cuối vụ nên khó mở rộng cây vụ đông sớm, cây trồng sinh trưởng phát triển kém, sâu bệnh phát sinh gây hại.

Nhưng sản xuất đã được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã có chính sách hỗ trợ kịp thời (200.000đ/ha). Bộ Nông nghiệp và PTNT đã cấp hỗ trợ 7 tấn giống rau. Các cấp chính quyền địa phương chủ động làm tốt công tác chỉ đạo và triển khai các chính sách hỗ trợ thúc đẩy có hiệu quả. Nông dân trong tỉnh rất chủ động, sáng tạo, tích cực sản xuất, mở rộng diện tích cây rau thay cho các cây trồng ưa ấm do muộn thời vụ không trồng được. Chính vì vậy, sản xuất vụ đông 2011-2012 nhìn chung thu được kết quả khả quan.

1. Kết quả thực hiện

1.1. Diện tích gieo trồng

Diện tích gieo trồng toàn tỉnh vụ đông năm 2011-2012 là 22.505 ha, đạt 100,02% so với kế hoạch (22.500ha), tăng 133 ha (tăng 0,59%) so với năm 2011. Trong đó, ngô 1.903ha, đạt 63,4% KH (3.000ha), bằng 70,5% so với CKNT; rau các loại 19.564ha, đạt 106,9% KH, bằng 106,8% so với CKNT (cụ thể diện tích một số cây trồng chủ yếu - phụ lục 1).

Hầu hết, các địa phương đạt và vượt kế hoạch, điển hình là Kinh Môn đạt 3.848ha, bằng 108,39% KH, Kim Thành 2.369ha, bằng 105,29% KH,...Có 3 huyện xấp xỉ kế hoạch là Bình Giang 99,13%, Gia Lộc 98,97%, Tứ Kỳ 94,74%; thị xã Chí Linh đạt 69,74% (cụ thể diện tích các huyện- phụ lục 2).

1.2. Năng suất, sản lượng, giá trị

- Năng suất: Năng suất rau các loại 207,2 tạ/ha giảm 11,1 tạ/ha (5,1%) so với vụ đông năm 2011. Năng suất khoai tây giảm 4,2 tạ/ha (2,8%), cải bắp giảm 3,7 tạ/ha (1%)... Đặc biệt là năng suất hành (củ), ớt, các loại dưa giảm nhiều so với vụ đông năm 2011: hành giảm 4,2tạ/ha (17,3%), ớt giảm 17,4 tạ/ha (10,1%), dưa hấu giảm 9,8 tạ/ha (4,2%), dưa chuột giảm 10,8 tạ/ha (4,0%).

Một số cây trồng có năng suất cao hơn vụ đông năm 2011: ngô tăng 1,7 tạ/ha (3,5%), khoai lang tăng 0,1 tạ/ha (0,1% ), hành tây, tỏi tây, cải các loại. Các loại cây này chiếm tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu cây trồng vụ đông và tỷ lệ tăng ít.

- Sản lượng: Sản lượng rau các loại 405.448 tấn, tăng 1,4% (5.463 tấn) so với 2011. Sản lượng rau tăng do diện tích rau các loại tăng 6,8% (1.245 ha). Sản lượng một số cây trồng như cải bắp, khoai tây, cải các loại tăng do diện tích tăng. Sản lượng ngô giảm 27,1%, bí xanh giảm 29,9% do diện tích giảm. Sản lượng hành giảm 14,2%, cà rốt giảm 8,7% chủ yếu do năng suất giảm (cụ thể - phụ lục 3)

- Giá cả, giá trị: Một số nông sản giá bình quân và thị trường tiêu thụ có nhiều biến động và thấp hơn so với năm trước như khoai tây, hành, đặc biệt là giá cà rốt giảm 60% so với vụ đông năm 2011. Nguyên nhân giá cà rốt, khoai tây giảm chủ yếu do đầu ra không ổn định (hàng Trung Quốc tràn sang nhiều), các doanh nghiệp chế biến khó khăn về vốn nên giảm lượng thu mua.

Tuy nhiên, hầu hết các nông sản và rau các loại giá bình quân cao hơn năm 2011, mặt khác do sản lượng rau lớn nên giá trị sản xuất vụ đông 2012 theo giá thực tế vẫn đạt cao 1.976,371 tỷ đồng, tăng 4,2% so với CKNT; giá trị sản xuất theo giá cố định bằng 99,2% so với CKNT. Giá trị sản xuất/ha gieo trồng đạt 88 triệu đồng/ha, tăng 3,3 triệu đồng/ha so với CKNT. Một số cây trồng giá bán và hiệu quả kinh tế cao là ớt, cà chua, dưa chuột. Trong đó, ớt giá bán bình quân 35.500đ/kg, giá trị sản xuất cao nhất 548,8 triệu đồng/ha.

2. Nhận xét, đánh giá

2.1. Kết quả đạt được

- Vụ đông 2011-2012 toàn tỉnh đã hoàn thành kế hoạch diện tích đề ra.

- Giá trị sản xuất và giá trị/ha tiếp tục tăng so với năm trước.

- Cơ cấu cây trồng vụ đông năm 2012 tiếp tục được dịch chuyển tích cực theo hướng mở rộng diện tích cây rau đậu có giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ và sản xuất hàng hoá theo nhu cầu thị trường; giảm diện tích cây lương thực, cây chất bột. Đồng thời, cơ cấu cây trồng vụ đông đa dạng để đáp ứng nhu cầu thị trường, giá bán cao, cho thu nhập cao.

- Sản xuất vụ đông tiếp tục được duy trì phát triển tại các địa phương có truyền thống như Gia lộc, Kinh Môn, Nam Sách, Tứ Kỳ,...

- Các vùng sản xuất hàng hoá cây vụ đông thế mạnh của các địa phương tiếp tục phát triển như vùng hành Nam Sách, Kinh Môn; su hào, cải bắp, súp lơ Kim Thành, Gia Lộc, Tứ Kỳ...

- Các biện pháp kỹ thuật mới như trồng ngô không làm đất, trồng gối bí xanh, bí ngô vào ruộng lúa, sản xuất lách vụ (gieo trồng vụ sớm, vụ muộn, bỏ chính vụ) để có giá trị cao và dễ tiêu thụ tiếp tục được mở rộng.

- Mô hình liên kết đầu tư cho nông dân sản xuất và thu mua sản phẩm giữa các công ty, thương lái và nông dân có sự tham gia của chính quyền phát triển sản xuất hàng hoá ổn định, bền vững tại Tứ Kỳ, Gia Lộc, Cẩm Giàng được duy trì.

2.2. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

- Diện tích các cây ưa ấm như ngô, bí xanh, đậu tương giảm so với CKNT. Nguyên nhân chính do thời vụ chậm khoảng 10-15 ngày so với bình thường mọi năm vì vụ chiêm xuân 2011-2012 rét kéo dài, lúa cho thu hoạch muộn.

- Năng suất hầu hết các loại cây trồng thấp hơn so với CKNT do mưa nhiều cây trồng sinh trưởng kém. Nhất là giai đoạn cuối vụ mưa phùn nhiều ẩm độ lớn, sâu bệnh phát sinh gây hại làm giảm năng suất, chất lượng sản phẩm, đặc biệt là cây hành.

- Tiêu thụ nông sản khó khăn hơn, giá cả một số nông sản thấp so với năm trước, mặt khác công lao động cao, nên chi phí sản xuất tăng, hiệu quả kinh tế giảm, một số hộ gia đình trồng cà rốt lãi rất ít, có hộ bị lỗ vốn.

- Chỉ đạo sản xuất rải vụ để bán được giá cao, tránh tư thương ép giá chưa được cụ thể. Lượng nông sản có hợp đồng bao tiêu rất ít, chủ yếu do tư thương thu mua theo kế hoạch tại vùng sản xuất truyền thống mà chưa có văn bản ký kết chính thức với nông dân, nên giá cả thấp, bấp bênh, nông dân chịu thua thiệt.

Phần 2

KẾ HOẠCH SẢN XUẤT VỤ MÙA 2012 VÀ VỤ ĐÔNG 2012 - 2013

I. THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN

- Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, các cấp các ngành quan tâm, sát sao trong chỉ đạo sản xuất trồng trọt. UBND tỉnh có cơ chế chính sách hỗ trợ mô hình sản xuất lúa mùa và cây vụ đông tập trung. Các huyện bằng nguồn kinh phí tỉnh cấp, chủ động theo thế mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất vụ mùa và vụ đông.

- Theo Trung tâm KTTV tỉnh, nhìn chung thời tiết, thuỷ văn mùa mưa bão lũ 2012 sẽ diễn biến không quá khắc nghiệt so với TBNN, nhưng cần đề phòng có bão mạnh, dông, tố, lốc, mưa đá xảy ra vào các thời kỳ giao mùa, những trận mưa lớn có thể xuất hiện vào đầu và giữa vụ gây úng ngập cục bộ.

Có thể chịu ảnh hưởng từ 1-2 cơn bão hoặc ATNĐ, tập trung từ tháng VIII đến tháng X. Nền nhiệt độ xấp xỉ hoặc thấp hơn TBNN một ít; nắng nóng sớm, số đợt nắng nóng xuất hiện ít và không gay gắt, thời gian nắng nóng tập trung vào tháng VI, VII; nhiệt độ cao nhất ở mức 37.00C - 38.00C. Mùa mưa đến sớm, tập trung vào các tháng đầu và giữa mùa; tổng lượng mưa toàn mùa ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn TBNN một ít, dao động 1.200-1.300mm. Mùa lũ diễn biến khá phức tạp, khả năng lũ tiểu mãn xuất hiện sớm hơn vào giữa tháng V, lũ lớn tập trung vào tháng VII, tháng VIII.

- Dự kiến lúa vụ xuân cho thu hoạch muộn hơn so với trung bình mọi năm 5-10 ngày, phải chỉ đạo tốt các giải pháp kỹ thuật bón phân cuối vụ cho lúa xuân, làm đất vụ mùa ngay sau thu lúa xuân, bố trí cơ cấu trà giống vụ mùa hợp lý, gieo cấy lúa mùa và chăm sóc sớm vụ mùa,.... để chủ động cho làm cây vụ đông. Thu chiêm muộn nên làm mùa càng cập rập và căng thẳng về nguồn lao động, giá công lao động tăng cao.

- Thời tiết và sâu bệnh vụ mùa, vụ đông thường diễn biến phức tạp. Đầu vụ, cuối vụ mùa, vụ đông thường xảy ra mưa úng gây mất lúa, mất màu hoặc làm giảm năng suất. Thời kỳ lúa mùa trỗ bông, làm hạt hay gặp ATNĐ hoặc bão ảnh hưởng năng suất.

- Giá các loại vật tư giống, phân bón, thuốc trừ sâu công lao động vẫn ở mức cao nên chi phí sản xuất lớn, giảm hiệu quả kinh tế. Lao động nông nghiệp thiếu và yếu.

- Đầu ra nông sản, đặc biệt là vụ đông khó khăn, không ổn định. Giá nông sản, không cao, bấp bênh.

II. KẾ HOẠCH VÀ GIẢI PHÁP SẢN XUẤT VỤ MÙA 2012

1. Kế hoạch sản xuất

- Cây lúa: Kế hoạch gieo cấy 62.500 ha, năng suất 58 tạ/1ha (vụ mùa 2010: 58,4 tạ/ha, vụ mùa 2011: 55,54 tạ/ha), sản lượng 362.500 tấn.

- Cây rau màu: Tổng diện tích 7.500 ha, trong đó: cây chất bột: 600 ha, rau các loại: 5.400 ha, cây công nghiệp và cây khác: 1.500 ha.

(Kế hoạch cụ thể phân theo huyện, TP tại phụ lục kèm theo)

2. Các giải pháp chính

2.1. Đối với cây lúa

2.1.1. Cơ cấu trà, giống và lịch thời vụ gieo cấy lúa (Có lịch thời vụ và cơ cấu giống kèm theo kế hoạch này)

- Trà mùa sớm: 35% diện tích (khoảng 21.500 ha), cấy chân cao cho thu hoạch từ ngày 25/9 đến 5/10 để trồng cây vụ đông sớm tập trung các huyện Gia Lộc, Kim Thành; gồm các giống ngắn ngày: KD18, Q5, QR1, Nếp 352, BT7, P6ĐB, lúa lai PAC807. Phương thức gieo cấy: gieo mạ dược từ 5 - 15/6, cấy 20 - 30/6. Gieo mạ sân từ 10 - 15/6, cấy 18 - 25/6. Gieo thẳng: từ 10 - 20/6.

- Trà mùa trung: 62% diện tích (khoảng 39.000 ha).

+ Các giống thời gian sinh trưởng từ 95 - 115 ngày để tiếp tục trồng cây vụ đông: Q5, KD18, BT7, nếp 352, nếp 97,... lúa lai Thục Hưng 6, Syn 6,...

Gieo mạ dược: từ 10 - 20/6, cấy 25/6 - 5/7. Gieo mạ sân: từ 15 - 25/6, cấy 22/6 - 5/7. Gieo thẳng: từ 20 - 25/6.

+ Các giống thời gian sinh trưởng từ 120 - 130 ngày: Nếp ĐN20, nếp DT22, P6, X21, Xi23; lúa lai B -TE1, Bác ưu 903 KBL,... cấy trên chân vàn trũng, trũng. Gieo mạ dược ngày 01-10/6, cấy 20/6 - 30/6.

- Trà mùa muộn: 3% diện tích (khoảng 2.000 ha) cấy chân trũng. Gieo mạ dược từ 5-15/6, cấy từ 05 - 20/7.

2.1.2. Chuẩn bị giống

- Các công ty giống chuẩn bị đủ giống đảm bảo chất lượng cho nông dân gieo cấy, nhất là giống cho trà mùa sớm từ nguồn giống chuyển vụ và chủ động nhập giống từ Miền Trung nếu giống chuyển vụ không đủ cho sản xuất.

- Phòng Nông nghiệp và PTNT/Kinh Tế, HTX DVNN chỉ đạo, hướng dẫn nông dân chủ động chuẩn bị đủ giống lúa cho sản xuất. Tăng bón phân kali và khử lẫn tốt cho diện tích giống nhân dân vụ xuân giống ngắn ngày trỗ trước 10-15/5 để có giống đảm bảo chất lượng sử dụng và trao đổi cho bà con. Gieo cấy các giống năng suất, chất lượng cao, thích ứng thời tiết tốt, kháng bạc lá tốt (Nàng xuân, QR1, BTe1, Bác ưu 903 KBL...).

- Chuẩn bị giống dự phòng: Mưa lớn cục bộ tháng 7, đầu tháng 8 có thể gây ngập úng trên 13.000ha chân trũng. Cần chủ động đưa các giống chịu úng xuống chân trũng như Bác ưu 903 KBL, BTe1. Dâm giữ mạ dược, mạ sân, mạ tỉa dặm còn thừa sau cấy để dự phòng. Các hộ nông dân chủ động dự phòng thóc giống ngắn ngày KD18, P6ĐB,...để gieo cấy bổ sung đề phòng mạ, lúa chết do ngập úng, khi còn thời vụ trước 10/8.

2.1.3. Làm đất

- Giữ nước sau gặt lúa xuân không để đồng ruộng mất lấm. Tập trung nguồn sức kéo để chủ động tranh thủ làm đất ngay sau thu hoạch, mở rộng diện tích làm đất bằng máy cày lớn.

- Thực hiện gặt lúa chiêm xuân sát gốc, gặt đến đâu làm đất vùi sâu gốc rạ ngay đến đó, làm đất kỹ. Sử dụng vôi bột bón lót với lượng 15-20 kg/sào để hạn chế bốc chua, cho rơm rạ phân huỷ nhanh, hạn chế nghẹt rễ, phòng bệnh, đặc biệt là trên chân đất chua trũng.

2.1.4. Gieo cấy

- Gieo cấy đúng lịch thời vụ. Trà mùa sớm cần gieo cấy bằng mạ dược để tranh thủ thời vụ làm vụ đông sớm; trà trung mở rộng gieo cấy mạ sân, gieo thẳng ở những nơi có điều kiện tưới tiêu chủ động; chăm sóc cho chất lượng mạ tốt.

- Quy vùng, chỉ đạo sản xuất “một vùng - một giống - một thời gian” để tiện cho việc đầu tư thâm canh, đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

- Các giống trà trung, trà muộn như nếp DT22, lúa lai Bác ưu 903, nếp Hoa vàng quy vùng cấy tập trung chân vàn trũng, chân trũng, không cấy “xôi đỗ” lẫn với giống ngắn ngày trên chân cao, lúa trỗ sau sâu bệnh phá hoại năng suất giảm. Các giống ngắn ngày Q5, KD18 gieo mạ sân không đưa xuống bãi trũng gặp mưa lớn làm chết lúa.

2.1.5. Bón phân

- Thực hiện bón lót sâu, bón thúc sớm, tập trung để tránh thất thoát phân bón, lúa tốt ngay từ đầu, đẻ nhánh nhanh, tập trung, tăng số nhánh hữu hiệu.

- Bón đủ lượng phân, cân đối N-P-K. Tăng lượng kali cho lúa lai, lúa chất lượng. Sử dụng phân kali cho cả bón lót và bón thúc (không chỉ dùng bón đón đòng), với tỷ lệ bón lót 20% và bón thúc đẻ nhánh 30%, bón đón đòng 50%. Sử dụng phân siêu kali qua lá cuối vụ tăng độ cứng của thân cây, tăng khả năng chống chịu, sâu bệnh, chống đổ, cho thu hoạch sớm 3-5 ngày cho trồng cây vụ đông.

- Sử dụng phân tổng hợp NPK, phân chuyên dùng, phân tiết kiệm tăng hiệu suất sử dụng phân bón như đạm Đầu trâu hạt vàng, NEB 26, tận dụng các loại phân chuồng, sử dụng phân hữu cơ chế biến, vi lượng, trung lượng.

2.1.6. Tưới và tiêu úng cho lúa

Chi cục Thuỷ lợi, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi, các xí nghiệp cùng các địa phương chủ động đảm bảo đủ nước cho làm đất và tưới dưỡng cho lúa. Duyệt phương án chống úng cho các huyện, xử lý hiệu quả tình huống bơm tiêu úng sớm và úng muộn (lúa mới cấy và sắp thu hoạch).

2.1.7. Phòng trừ sâu bệnh

- Làm tốt công tác dự tính, dự báo để khuyến cáo nông dân phòng trừ kịp thời, hiệu quả các đối tượng sâu bệnh hại lúa, rau màu, chú trọng các đối tượng sâu cuốn lá, đục thân và rầy nâu, bệnh bạc lá cuối vụ.

- Hướng dẫn nông dân áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp, sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng, áp dụng biện pháp “3 giảm, 3 tăng”.

2.1.8. Thu hoạch và bảo quản

Thực hiện phương châm “xanh nhà hơn già đồng” chỉ đạo nông dân cần khẩn trương tập trung thu hoạch lúa kịp thời khi lúa chín 85% kịp thời giải phóng đất trồng cây vụ đông, đồng thời tránh lúa rụng nhất là trong trường hợp bị mưa úng, giữ chất lượng gạo.

2.2. Giải pháp đối với sản xuất rau màu hè thu

- Mở rộng diện tích cây rau màu hè thu để có quỹ đất chủ động cho trồng cây vụ đông. Trong đó, tập trung phát triển các cây rau màu chủ lực, có lợi thế về thời vụ và đầu ra như: dưa lê, đậu tương, ngô nếp, rau các loại…Chủ động xây dựng phương án và tổ chức sản xuất các loại cây giống, hạt giống cho mở rộng diện tích vụ đông như đậu tương, lạc, khoai lang...

- Thực hiện tốt luân canh cây trồng. Sử dụng các giống chịu nhiệt, giống ghép để hạn chế sâu bệnh, sản xuất trái vụ (rau cải chịu nhiệt, cà chua, dưa hấu...) tăng hiệu quả kinh tế; sản xuất theo quy trình sản xuất rau an toàn.

III. KẾ HOẠCH VÀ GIẢI PHÁP SẢN XUẤT VỤ ĐÔNG 2012-2013

1. Kế hoạch sản xuất

- Phấn đấu diện tích 22.500 ha, trong đó, ngô 3.000ha, khoai lang 1.000ha, cây thực phẩm và rau các loại 18.300 ha (khoai tây 2.000 ha), đậu tương 200 ha.

- Giá trị sản xuất theo giá thực tế đạt 1.980 tỷ đồng, bình quân 88 triệu đồng/ha.

2. Những giải pháp chủ yếu

Bố trí thời vụ gieo cấy và cơ cấu giống lúa mùa, tích cực áp dụng các biện pháp kỹ thuật đẩy nhanh thời vụ để toàn tỉnh có khoảng 35% diện tích lúa mùa sớm chủ động cho gieo trồng cây vụ đông. Phát huy thế mạnh, mở rộng diện tích cây rau thực phẩm, nhất là cây ưa lạnh; duy trì và phát triển cây trồng truyền thống, cây có giá trị kinh tế cao. Các giải pháp cụ thể như sau:

2.1. Giải pháp về giống:

Đảm bảo đủ giống tốt, giống mới, cây trồng mới vào sản xuất, chú trọng các giống mới ngắn ngày, năng suất chất lượng cao, phù hợp thị trường.

- Cây ngô: Tập trung sử dụng giống ngô lai có năng suất cao để sản xuất ngô lương thực (chiếm 50% diện tích), diện tích còn lại (khoảng 50%) sản xuất ngô giống (15%) và ngô chất lượng cao làm thực phẩm (35%). Mở rộng diện tích ngô ngắn ngày, ngô nếp, ngô ngọt. Cụ thể:

+ Trên đất bãi ngoài đê, đất thu hoạch rau màu hè thu trồng cuối tháng 8 đầu tháng 9, dùng các giống ngô tẻ thường dài ngày (115-120 ngày) có năng suất cao như LVN10, P848.

+ Trên chân đất 2 vụ lúa: Dùng các giống ngô tẻ thường có thời gian sinh trưởng trung và ngắn ngày (100-110 ngày) như LVN4, LVN99, C919.

Ngô nếp MX10, MX4, HN88, Wax 48, 50; ngô ngọt như Sugar 75, 77, Golden Sweeter 93....chủ động bố trí trên cả 2 chân đất, đảm bảo rải vụ để thu hiệu quả kinh tế cao.

- Cây khoai tây: Sử dụng các giống chủ lực như Sinora, Solara, Diamant, Aladin, VT2… Trồng giống khoai tây sạch bệnh (nhân giống trong nước vụ xuân, khoai tây Trung Quốc), nhất là các giống chế biến gắn với bao tiêu sản phẩm. Dùng củ to không bị sâu bệnh, cắt củ để giảm chi phí.

- Cây đậu tương: Trồng các giống ngắn ngày như: ĐT12, DT84, AK03.

- Rau đậu các loại: Khuyến khích nông dân trồng các loại rau có giá trị kinh tế cao và có thị trường tiêu thụ ổn định như ngô nếp, bí xanh, hành ta, su hào, súp lơ...Mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, xuất khẩu theo hợp đồng.

- Chỉ đạo nông dân chủ động kiểm tra, phân loại và bảo quản tốt toàn bộ lượng giống đã chuẩn bị từ trước như hành, tỏi. Chủ động mua hạt giống sớm, nhất là giống nhập nội cây vụ đông sớm (cải bắp, su hào, hành tây) để tránh bị ép giá khi khan giống.

- Các Công ty giống chủ động liên hệ, chuẩn bị nguồn giống theo nhu cầu của nông dân và căn cứ vào kế hoạch này, đảm bảo đủ số lượng, chất lượng và sẵn sàng cung ứng cho nông dân.

2.2. Thời vụ gieo trồng

Thời vụ mang tính quyết định đến diện tích, năng suất và hiệu quả đối với sản xuất vụ đông. Tăng bón kali, tháo nước... để thu hoạch sớm lúa mùa; áp dụng biện pháp không làm đất, làm bầu, làm đất tối thiểu, trồng gối đối với cây ưa ấm; dùng giống ngắn ngày; thực hiện “sáng lúa, chiều cây vụ đông” để đảm bảo khung thời vụ thích hợp cho từng loại cây trồng.

Trên chân đất bãi ngoài đê, chân trồng cây rau màu hè thu chủ động ưu tiên gieo trồng cây ưa ấm, cây vụ đông sớm, trồng càng sớm càng tốt.

- Cây ngô: Trên đất bãi ngoài đê, đất thu hoạch rau màu hè thu cần tranh thủ nước rút, thu hoạch rau đậu khẩn trương để gieo ngô sớm trước 20/9.

Ngô trên đất 2 vụ lúa: Phải làm ngô bầu, trồng gối; gieo hạt trước 25/9, chậm nhất 5/10. Với ngô nếp, ngô ngọt thu bắp non, thời gian trồng đến thu ngắn khoảng 60 - 70 ngày, có thể gieo muộn hơn đến 10/10.

- Khoai tây: Thời vụ kéo dài từ 15/10-30/11, tập trung trồng trên diện tích thu hoạch lúa mùa trung để cho năng suất cao và giảm áp lực về đất đai, thời vụ.

- Cây rau cần chỉ đạo tăng vụ đông sớm, trồng rải vụ để tránh thừa lúc chính vụ làm giảm hiệu quả kinh tế.

- Các cây trồng khác có cơ cấu giống và lịch thời vụ kèm theo kế hoạch này.

2.3. Các biện pháp kỹ thuật khác

- Quy hoạch vùng sản xuất cây vụ đông ngay từ khi gieo cấy lúa mùa. Chỉ đạo kỹ thuật, hướng dẫn nông dân sản xuất thành vùng hàng hoá tập trung như vùng hành tỏi, vùng ngô, khoai tây, cà rốt ... tạo ra lượng sản phẩm nhiều và ổn định cung cấp cho các đơn vị trong và ngoài tỉnh.

- Chỉ đạo nông dân ủ phân hữu cơ, chuẩn bị mùn, trấu, đất bột, bùn ao làm bầu, nilo, túi bầu để chủ động cho trồng cây vụ đông trên nền đất ướt.

- Chủ động liên hệ, hợp đồng sớm, huy động, tận dụng sức kéo, máy phay đất để làm đất nhanh phục vụ cho gieo trồng kịp thời vụ.

- Chuẩn bị, kiểm tra, chủ động tưới, tiêu nước để đáp ứng nhu cầu của cây trồng, để có phương án tiêu thoát nước đầu vụ và trữ nước tưới trong thời điểm khô hanh.

- Tăng cường đầu tư phân bón, bón đủ lượng, cân đối NPK (tăng kali) để nâng cao chất lượng sản phẩm; tận dụng phân hữu cơ, sử dụng phân hữu cơ vi sinh; thực hiện quy trình sản xuất rau an toàn.

- Phòng trừ sâu bệnh kịp thời, nhất là bệnh trên rau, hành tỏi, xử lý đất trước trồng, sử dụng thuốc BVTV sinh học, cách ly 7-10 ngày trước thu...

3. Chính sách hỗ trợ vụ mùa 2012, vụ đông 2012-2013

3.1. Mô hình cấp huyện: Đề nghị các huyện, TP, TX có những chính sách cụ thể sử dụng nguồn kinh phí của “Chương trình giống” UBND tỉnh đã cấp cho UBND các huyện từ đầu năm 2012, thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất lúa vụ mùa 2012, cây vụ đông 2012-2013. Trong đó, tuỳ theo thế mạnh cây trồng và nhu cầu phát triển sản xuất, huyện chủ động ưu tiên tập trung xây dựng mô hình giống mới, phát triển các vùng sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn, sản xuất giống (lưu ý không hỗ trợ trùng vào mô hình của tỉnh).

3.2. Mô hình cấp tỉnh: Tiếp tục hỗ trợ mô hình sản xuất tập trung lúa mùa và cây ngô vụ đông theo quyết định số 3447/QĐ-UBND ngày 15/12/2011 của UBND tỉnh và hỗ trợ sản xuất giống lúa tại vùng giống nhân dân vụ mùa theo dự án lúa đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Đề nghị UBND các huyện, TP, TX trên cơ sở kế hoạch mô hình sản xuất tập trung và vùng giống nhân dân (kèm theo), triển khai và đăng ký về Sở (phòng Trồng trọt) trước ngày 25/5/2012, để Sở kịp thời điều chuyển giữa các huyện, TP, TX nhằm thực hiện mô hình sát, đạt hiệu quả cao.

Lưu ý: Mô hình sản xuất ngô vụ đông chỉ hỗ trợ cho mô hình áp dụng biện pháp kỹ thuật làm đất tối thiểu. Nếu địa phương nào không áp dụng biện pháp này, không hỗ trợ.

Phần 3

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Sản xuất vụ mùa, vụ đông thời tiết khắc nghiệt, diễn biến bất thường, thiên tai, sâu bệnh nhiều, do vậy công tác chỉ đạo cần phải được chủ động, đặc biệt trong xây dựng phương án sản xuất liên hoàn cho cả 2 vụ, phương án tiêu úng, dự tính dự báo sâu bệnh và tổ chức phòng trừ kịp thời, hiệu quả.

1. Các huyện, TP, thị xã căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương xây dựng kế hoạch và giải pháp tổ chức sản xuất vụ mùa, vụ đông theo kế hoạch của tỉnh, giao kế hoạch tới các xã, phát huy thế mạnh cây trồng của từng địa phương, đảm bảo khung thời vụ thích hợp, mở rộng tối đa diện tích vụ đông.

2. Chi cục quản lý nước, công ty TNHH MTV khai thác công trình thuỷ lợi làm tốt công tác cung cấp nước cho làm đất, gieo cấy, tưới dưỡng cho lúa và rau màu, tiêu úng kịp thời khi có mưa, bão, úng.

3. Trung tâm khuyến nông chỉ đạo, làm tốt công tác tập huấn, hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng.

4. Chi cục BVTV: Dự tính dự báo, tập huấn, hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh chủ động, đạt hiệu quả, chủ động tham mưu đề xuất giải quyết các tình huống cấp bách khi có dịch bệnh xảy ra.

5. Phòng Trồng trọt tham gia chỉ đạo sản xuất, chủ động tham mưu đề xuất các phương án hỗ trợ nông dân khắc phục sản xuất khi có thiên tai gây thiệt hại cho sản xuất.

6. Các Công ty giống, phân bón, vật tư khác chuẩn bị đủ số lượng, đảm bảo chất lượng cho sản xuất.

7. Sở Nông nghiệp & PTNT, UBND các huyện, TP, TX, UBND các xã, phường, Thị trấn phối hợp tăng cường công tác quản lý chất lượng nông sản phẩm, giống, vật tư nông nghiệp, ngăn chặn và xử lý nghiêm hiện tượng bán giống, vật tư nông nghiệp kém chất lượng.

8. Sở Công thương phối hợp các ngành liên quan, các huyện, TP, TX tổ chức hội thảo, giới thiệu khách hàng, tìm đầu ra tiêu thụ nông sản có hợp đồng cho nông dân.

9. Các cơ quan truyền thông: Báo Hải Dương, Đài PTTH tỉnh cập nhật, làm tốt công tác tuyên truyền trong qúa trình sản xuất.

Sản xuất vụ mùa, vụ đông là 2 vụ sản xuất chính trong năm. Vụ mùa là cơ sở quan trọng để phát triển sản xuất vụ đông. Vụ đông mang lại giá trị kinh tế cao, thu nhập cao cho nông dân. Đề nghị các địa phương quan tâm chỉ đạo sát sao, hướng dẫn nông dân thực hiện, quyết tâm giành thắng lợi toàn diện kế hoạch đề ra./.

SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT

Các phụ lục, cơ cấu giống và kế hoạch sản xuất kèm theo:

Phụ lục 1: Diện tích cây vụ đông 2011-2012 phân theo loại cây trồng

Phụ lục 2: Diện tích cây vụ đông 2011-2012 phân theo huyện, thành phố

Phụ lục 3: Sản lượng một số cây trồng chủ yếu vụ đông 2011-2012

CƠ CẤU GIỐNG VÀ THỜI VỤ GIEO TRỒNG CÂY VỤ ĐÔNG NĂM 2012 – 2013

CƠ CẤU GIỐNG VÀ THỜI VỤ GIEO CẤY LÚA VỤ MÙA 2012

Kế hoạch sản xuất vụ đông 2012-2013 tỉnh Hải Dương

Kế hoạch sản xuất vụ mùa 2012 tỉnh Hải Dương

File đính kèm:

Các tin mới hơn
Danh sách cơ sở buôn bán giống cây trồng(07/11/2023)
Phòng trị bệnh ngoại ký sinh trùng trên thủy sản nuôi(08/11/2022)
Kết quả quan trắc đột xuất cá nuôi lồng tại Nam Sách(11/11/2021)
Hải Dương: Cần có các giải pháp để Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030(27/07/2021)
Tăng cường quản lý nuôi trồng thủy sản trong điều kiện nắng nóng năm 2021(10/06/2021)
Các tin cũ hơn
Tiến độ sản xuất nông nghiệp đến ngày 25/07/2012(30/09/2020)
CÔNG TÁC CHUẨN BỊ VẬT TƯ, PHƯƠNG ÁN PHÒNG CHỐNG ÚNG VÀ KHẮC PHỤC HẬU QUẢ DO BÃO, LŨ, ÚNG GÂY RA VỤ MÙA NĂM 2012(30/09/2020)
Giấy mời tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn quy trình, cách thức rà soát quy định, thủ tục hành chính theo phương pháp sơ đồ hoá(30/09/2020)
Cần thiết phải xử lý lộc đông và chăm sóc vải theo đúng quy trình kỹ thuật(30/09/2020)
Những nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc có thực hiện thủ tục hành chính(30/09/2020)
Phóng Sự Nông Thôn Mới
na
Phóng sự Ảnh
Trang tin đơn vị
Hệ thống văn bản
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín