Lĩnh vực chuyên ngành
KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO, ÚNG NĂM 2012
30/09/2020 09:53:53

NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA

KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO, ÚNG NĂM 2012

A. TỔNG KẾT CÔNG TÁC PCLB NĂM 2011

1. Công tác tu bổ đê điều

Năm 2011 thực hiện chủ trương của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, cắt giảm đầu tư công... kinh phí đầu tư cho công tác tu bổ đê điều giảm. Tỉnh đã tập trung triển khai thi công hoàn thành trước lũ các hạng mục công trình được thông báo vốn, đảm bảo chất lượng. Tổng kinh phí thực hiện: 157,047 tỷ đồng.

2. Công tác quản lý đê điều

- Tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông, chính quyền địa phương thực hiện việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật về đê điều tới cộng đồng.

- Tăng cường việc phát hiện, xử lý các vi phạm đê điều phát sinh trên địa bàn. Đã xử lý 55/110 vụ vi phạm, phạt hành chính 624,5 triệu đồng.

- Thực hiện tốt công tác quản lý kỹ thuật công trình: Lập mặt bằng quản lý vi phạm và tiến hành ký cam kết không vi phạm Luật đê điều với tất cả các hộ ven đê và các doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến đê điều; xây dựng tuyến đê kiểu mẫu trên địa bàn thị xã Chí Linh...

3. Công tác chuẩn bị PCLB

Đến đầu mùa lũ đã hoàn thành công tác chuẩn bị PCLB theo phương châm "bốn tại chỗ":

- Kiện toàn Ban chỉ huy PCLB & TKCN các cấp, các ngành từ tỉnh đến xã, phường.

- Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện

- Tổng kiểm tra đánh giá chất lượng đê điều trước lũ và xây dựng các phương án bảo vệ trọng điểm.

- Tổ chức, thành lập và tập huấn, tập dượt các lực lượng tham gia PCLB như: Lực lượng tuần tra canh gác đê, cắm cừ đào mò, giao thông hoả tốc, xung kích ứng cứu.

- Kiểm tra, thống kê vật tư, phương tiện dự trữ chuyên dùng và vật tư trong dân sẵn sàng huy động khi có tình huống xảy ra.

- Chuẩn bị, xây dựng kế hoạch và triển khai hệ thống thông tin liên lạc phục vụ PCLB.

4. Công tác chỉ huy đối phó với bão, lũ

4.1. Diễn biến thời tiết, thuỷ văn

- Bão, giông lốc: Đã xuất hiện 07 cơn bão và 07 ATNĐ ở biển Đông, tỉnh Hải Dương chịu ảnh hưởng 3 cơn bão: số 2, số 3, số 5; 01 trận giông lốc xảy ra trên địa bàn thị xã Chí Linh.

- Về thuỷ văn: Mực nước lũ các sông ở mức thấp kỷ lục (thấp hơn báo động số 1). Đỉnh lũ cao nhất tại Phả Lại 2m55 (ngày 02, 30/7), Bến Trại 2m70 (ngày 30/7).

- Về úng: Không xuất hiện úng trên diện rộng. Trên địa bàn thị xã Chí Linh do ảnh hưởng mưa bão số 5 ngập úng cục bộ.

4.2. Về thiệt hại và sự cố đê điều

- Sự cố đê điều: Xuất hiện 7 sự cố đê điều, phải xử lý khấp cấp 6 sự cố trước và trong lũ (cánh thép cống Dừa B, kè Hữu Chung - Tứ Kỳ; Kè Long Động, An Điền - Nam Sách; kè Tế Sơn - Chí Linh; bờ lở Lai Vu - Kim Thành) và 01 sự cố theo dõi (kè Bộ Hổ - Kim Thành).

- Thiệt hại do bão: Thiệt hại chủ yếu do bị đổ một số diện tích lúa, hoa màu ở Ninh Giang, TP Hải Dương, Bình Giang. Tổng diện tích 870 ha.

- Thiệt hại do giông lốc: Không có thiệt hại về người, thiệt hại một số cơ sở vật chất và hoa màu trên địa xã Hoàng Tân, Hoàng Tiến.

- Thiệt hại do úng: Úng cục bộ 203 ha tại Chí Linh, thiệt hại không đáng kể.

Nhìn chung ngoài các sự cố về đê điều phải xử lý khẩn cấp thì thiệt hại do bão, giông lốc là không đáng kể.

4.3. Công tác chỉ đạo, chỉ huy

- Đã bám sát diễn biến thời tiết, thủy văn chỉ đạo kịp thời.

- Các đồng chí thành viên Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh đã bám sát địa bàn, Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh đã có các công điện chỉ đạo các địa phương chủ động thực hiện công tác chuẩn bị và đối phó với các diễn biến xảy ra phù hợp với đặc điểm của tình hình theo phương châm "bốn tại chỗ".

- Ban chỉ huy PCLB & TKCN các ngành, các huyện đã bám sát chỉ đạo của Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh hoàn thành tốt công tác chuẩn bị và đối phó với diễn biến bão, giông lốc.

- Các sự cố đê điều được xử lý đảm bảo tiến độ, chất lượng. Các diện tích bị úng, ngập cục bộ đã được bơm tiêu khẩn trương, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại cho lúa và hoa màu.

- Tiểu ban Tìm kiếm cứu nạn đã phối hợp với thị xã Chí Linh trong việc xây dựng kịch bản, lựa chọn tình huống, thực địa, kế hoạch sử dụng lực lượng, vật tư, nhân lực... và tổ chức thành công diễn tập công tác PCLB, TKCN trên địa bàn được Ban chỉ đạo PCLB TW, Uỷ ban Quốc gia TKCN đánh giá cao.

5. Đánh giá ưu, hạn chế

5.1. Ưu điểm

- Trong công tác tu bổ đê điều: Triển khai khẩn trương, tuân thủ trình tự thủ tục XDCB, hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương trong GPMB tiếp tục duy trì tốt.

- Công tác quản lý đê điều: Tiếp tục thực hiện tốt trên cả 3 mặt: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều - ngăn ngừa, xử lý vi phạm - quản lý kỹ thuật công trình.

- Công tác chuẩn bị, đối phó với bão, lũ: Mùa lũ năm 2011 diễn biến ở mức bình thường. Các cấp, các ngành đã thực hiện chủ động, chu đáo theo phương châm "bốn tại chỗ", hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Các sự cố đê điều được phát hiện sớm, xử lý kịp thời, đảm bảo kỹ thuật.

5.2. Một số hạn chế

- Vốn đầu tư cho củng cố đê điều còn thấp, bị cắt giảm nhiều. Thủ tục chuẩn bị đầu tư và đền bù GPMB còn mất nhiều thời gian. Kinh phí cho đền bù, GPMB chiếm tỷ trọng lớn...

- Một số địa phương còn coi nhẹ công tác quản lý đê điều, việc xử lý vi phạm còn chậm, thiếu kiên quyết. Công tác xử lý khai thác cát trái phép còn gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương vẫn để các lò gạch thủ công mới phát sinh.

- Đã xuất hiện tư tưởng chủ quan trong công tác PCLB ở một số cán bộ, nhân dân. Công tác báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ PCLB & TKCN của các cấp, các ngành còn chậm so với yêu cầu. Việc dự báo tình hình thời tiết, thuỷ văn còn thiếu chính xác. Chưa có chế độ thù lao cho lực lượng canh gác đê trong thời gian không có lũ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của Văn phòng thường trực còn hạn chế, lạc hậu.

B. VỀ KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO, ÚNG NĂM 2012

1. Dự báo thời tiết, KTTV

- Về bão, áp thấp nhiệt đới: Năm 2012 bão và ATNĐ hoạt động trên khu vực biển Đông có khả năng ở mức TBNN và xuất hiện sớm hơn so với quy luật hàng năm. Số cơn bão, ATNĐ ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam từ (5- 6) cơn. Khu vực Hải Dương có thể chịu ảnh hưởng từ 1 đến 2 cơn bão hoặc ATNĐ, tập trung chủ yếu vào các tháng 8, 9, 10 đề phòng có bão mạnh.

- Về nhiệt độ: Nền nhiệt độ mùa mưa bão năm nay ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn TBNN một ít. Các tháng đầu mùa nhiệt độ thấp hơn một ít so với TBNN, các tháng nửa và cuối mùa ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn TBNN.

- Về mưa: Mùa mưa đến sớm, tập trung chủ yếu các tháng đầu và giữa mùa. Tổng lượng mưa toàn mùa ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn TBNN một ít, dao động từ 1.200mm - 1.300mm. Cần đề phòng có mưa lớn trên diện rộng gây ngập úng.

- Về thuỷ văn: Lũ tiểu mãn có khả năng xuất hiện sớm hơn (vào giữa tháng 5). Đỉnh lũ phổ biến cao hơn năm 2011. Sông Hồng tại Hà Nội ở mức báo động I; sông Thái Bình tại Phả Lại, sông Luộc tại Bến Trại ở mức TBNN, xấp xỉ báo động III. Đỉnh lũ xuất hiện tập trung vào tháng 7, tháng 8.

Ảnh hưởng của thuỷ triều: Các sông khu vực hạ lưu như sông Kinh Môn, sông Gùa, sông Rạng.... cần đề phòng nước dâng khi có ảnh hưởng của bão kết hợp triều cường, độ cao nước dâng dao động từ 0,4m - 0,6m.

Tình hình thời tiết thủy văn mùa mưa, bão, lũ năm 2012 ở Hải Dương nhìn chung sẽ có diễn biến không quá khắc nghiệt so với TBNN. Do ảnh hưởng của hiện tượng ENSO nên các điều kiện khí quyển và đại dương có khả năng dịch chuyển về trạng thái trung gian. Vì vậy những hiện tượng như mưa lớn, gió mạnh sẽ xảy ra xen kẽ nhau. Cần đề phòng dông, tố, lốc, mưa đá xảy ra vào các thời kỳ giao mùa những trận mưa lớn có thể xuất hiện vào đầu và giữa vụ gây úng ngập cục bộ.

2. Khái quát hiện trạng và khả năng chống lũ của hệ thống đê điều

Hệ thống đê điều Hải Dương gồm 18 tuyến đê dài 368 km, trong đó 212 km từ cấp III trở lên, 156 km đê dưới cấp III (đê địa phương); 59 tuyến kè; 269 cống dưới đê.

- Về đê: Đê TW và thượng lưu đê địa phương đã đủ độ cao gia thăng so với MNTK. Hạ lưu đê địa phương có đoạn còn thấp hơn MNTK, đê mảnh. Cần chú ý chống sóng cho các vị trí đê sát sông không trồng được tre và sự cố thẩm lậu, rò rỉ, sạt trượt ở đê địa phương.

- Về kè: Chú ý các kè và bờ sông đang có diễn biến sạt lở: Kè Minh Tân, An Bình (Nam Sách); Kè Phượng Hoàng, Thanh Cường (Thanh Hà); kè Tường Vu, Bộ Hổ, Lai Vu, Vụng Tường (Kim Thành); các vị trí bờ lở: Ngọc Sơn (TP Hải Dương), Hà Kỳ (Tứ Kỳ).

- Về cống: Nhiều cống được xây dựng từ lâu, bị hư hỏng, khả năng chống lũ giảm. Mùa lũ 2012 cần chú ý các cống: Tế Sơn, Kỳ đặc (Chí Linh), Mậu Công (Tứ Kỳ); Hoà Bình, Thiều Liều, Nại Thượng, Cổ Phục (Kim Thành); Cống Gừng, Bá Nha, Thuần A, Thiệu Cao (Thanh Hà); cống Phúc Duyên (TP Hải Dương); Kênh Than A, Lĩnh Đông, Ba Khanh, cống Vịt, Cổ Ngựa, Bãi Giá (Kinh Môn), ....

- Công trình quản lý, điếm canh đê, kho vật tư: Cơ bản đáp ứng được yêu cầu PCLB năm 2012. Một số điếm canh đê, kho vật tư xuống cấp cần sớm xây dựng lại. Lâu dài cần xây dựng thêm các cụm CLB ở Kinh Môn, Kim Thành.

- Tre chắn sóng: Có 293/368km đê có tre chắn sóng. 26,5km chưa có tre chắn sóng tập trung ở hạ lưu và xen kẽ một số đoạn thượng lưu.

- Giao thông mặt đê: Toàn tỉnh còn 52,1km mặt đê chưa được cải tạo, cứng hoá nên giao thông CLB gặp khó khăn.

3. Mục tiêu, phương châm chỉ đạo

Mục tiêu: "Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các tuyến đê khi lũ, bão chưa vượt thiết kế; khi lũ, bão vượt thiết kế hoặc gặp tổ hợp bất lợi phải quyết tâm hộ đê, kiên quyết giữ đê đến cùng, hạn chế thấp nhất thiệt hại khi tình huống xấu nhất xẩy ra".

Phương châm chỉ đạo: "Các cấp uỷ đảng, các cấp chính quyền, các đoàn thể, các ngành phải coi công tác PCLB là nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất trong suốt mùa mưa bão, tránh tư tưởng chủ quan, chuẩn bị chu đáo các mặt chủ động sẵn sàng đối phó với mọi tình huống lũ bão ác liệt nhất có thể xẩy ra trong năm 2012 theo phương châm “4 tại chỗ”, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại".

4. Về công tác tu bổ đê điều

Năm 2012 tiếp tục thực hiện chủ trương của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, cắt giảm đầu tư công... tổng mức đầu tư cho tu bổ đê điều giảm. Tổng mức đầu tư: 78,5 tỷ (đã thông báo vốn: 43,5 tỷ). Sở Nông nghiệp và PTNT đang tập trung chỉ đạo thi công các công trình đã được thông báo vốn, phấn đấu hoàn thành, bàn giao đưa vào chống lũ.

5. Công tác quản lý, bảo vệ đê điều

- Tiếp tục thực hiện tốt công tác phổ biến, truyên truyền kiến thức pháp luật về đê điều tới cộng đồng với nhiều giải pháp đồng bộ trong đó ưu tiên làm tờ rơi tuyên truyền tới cộng đồng.

- Hoàn thành việc xây dựng mặt bằng quản lý vi phạm, ký cam kết không vi phạm đê điều với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ven đê. Tổ chức xây dựng tuyến đê kiểu mẫu trên địa bàn thị xã Chí Linh.

- Tăng cường công tác phát hiện, xử lý vi phạm đê điều, không để phát sinh vi phạm lớn. Từ sau ngày 15/5/2012 chấm dứt mọi hoạt động khai thác cát sỏi lòng sông, giả toả vật cản ở bãi sông để đảm bảo hành lang thoát lũ.

6. Kiện toàn Ban chỉ huy PCLB & TKCN các cấp và chuẩn bị các lực lượng phục vụ phòng chống lụt bão

- Thành lập Ban chỉ huy PCLB & TKCN các cấp:

+ Cấp huyện: Xong trước ngày 30/4/2012

+ Cấp xã: Xong trước ngày 15/5/2012

+ Các Sở, Ban, ngành, các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn: Xong trước ngày 30/4/2012

- Thành lập các lực lượng tham gia PCLB: Ban chỉ huy PCLB & TKCN các huyện thành lập các lực lượng, tổ chức tập huấn xong trước 31/5 gồm lực lượng tuần tra canh gác đê, cắm cừ đào mò, giao thông hoả tốc, xung kích ứng cứu...

- Tiểu ban Tìm kiếm cứu nạn tổ chức hiệp đồng tác chiến với các đơn vị tăng cường của Bộ Quốc phòng, Quân khu III và Ban chỉ huy quân sự các huyện xong trước ngày 31/5/2012.

7. Xây dựng kế hoạch PCLB, thực hiện tổng kiểm tra đánh giá chất lượng công trình và xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm

- Các địa phương, các ngành, các đơn vị: Phải xây dựng kế hoạch PCLB & TKCN; phương án bảo vệ các trọng điểm; kế hoạch hậu phương phòng chống lụt bão.

- Các huyện: Tổ chức tổng kiểm tra đánh giá chất lượng công trình đê điều trước lũ, xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm xong trước 30/4/2012.

- Các đơn vị chuyên ngành đánh giá chất lượng, xây dựng phương án, tổ chức thực hiện đối với công trình liên quan đến PCLB do đơn vị quản lý.

8. Chuẩn bị vật tư, phương tiện và thông tin liên lạc

- Kiểm kê, nắm chắc số lượng, chủng loại vật tư, thiết bị, phương tiện chuyên dùng PCLB trên địa bàn.

- Thực hiện tốt việc nắm bắt, hợp đồng vật tư trong dân và trong các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn.

- Triển khai hệ thống thông tin liên lạc phục vụ công tác PCLB & TKCN thông suốt cả trong tình huống xấu nhất.

9. Thực hiện nguyên tắc trong tổ chức chỉ huy, chỉ đạo PCLB & TKCN

- Phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể: Về cả nhiệm vụ, địa giới và lĩnh vực phụ trách.

- Coi trọng công tác tuần tra canh gác đê

- Trong chỉ huy đối phó: ưu tiên trọng điểm, có phương án hộ đê toàn tuyến.

- Coi trọng công tác dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời, chính xác.

- Khi có lũ bão khẩn cấp: Tập trung nhân lực, phương tiện cứu hộ đê.

10. Thực hiện nghiêm chế độ thường trực, trực ban và chế độ báo cáo trong mùa lũ, bão

- Thực hiện theo quy định số 27/QĐ-PCLB ngày 23/4/2012 của Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh.

11. Tổ chức tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng

- Từng bước nâng cao nhận thức của nhân dân về tính chất quan trọng và phức tạp của công tác phòng chống lụt bão, để nhân dân tự giác chấp hành, tham gia thực hiện.

12. Chủ động đối phó khi xảy ra bão lớn, lũ vượt thiết kế hay gặp tổ hợp lũ, bão bất lợi

- Phòng chống bão lớn

+ Thực hiện tốt công tác chuẩn bị trước mùa mưa bão.

+ Các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch cụ thể để hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân chống bão.

+ Theo dõi bão từ xa, thông báo kịp thời cho nhân dân biết để chủ động phòng, tránh.

- Đối phó với lũ vượt thiết kế hay tổ hợp lũ, bão bất lợi

+ Chủ trương chỉ đạo: Phải thực hiện chủ động, chu đáo kế hoạch PCLB với phương châm quyết tâm giữ đê đến cùng kể cả khi lũ vượt thiết kế, hoặc gặp tổ hợp lũ, bão, thủy triều bất lợi, sẵn sàng đối phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

+ Có phương án huy động tổng lực xã hội để cứu đê, nòng cốt là lực lượng quân đội, công an, xung kích ứng cứu.

+ Các huyện có đê bối, hồ chứa: Tăng cường kiểm tra, thực hiện tốt chủ trương của TW và tỉnh trong giữ đê bối khi lũ đến báo động II (trừ bối Nhân Huệ). Khi lũ cao trên báo động II phải chủ động đưa nước vào bối và thực hiện phương án di dân, bảo vệ tài sản của nhân dân trong bối. Thị xã Chí Linh chú ý xây dựng và thực hiện các phương án bảo vệ hồ, đập và phòng, chống lũ quét.

13. Thực hiện tốt kế hoạch phòng chống úng

13.1. Thực hiện tổng kiểm tra, sửa chữa, tu bổ các công trình tưới tiêu trước mùa mưa bão

Các Doanh nghiệp Khai thác công trình thuỷ lợi tiến hành kiểm tra toàn bộ hệ thống công trình từ đầu mối đến mặt ruộng. Kiểm tra, đánh giá chất lượng các cống dưới đê do mình quản lý. Sửa chữa máy móc, thiết bị, nạo vét, giải toả những tuyến kênh mương bị ách tắc, tôn cao áp trúc bờ kênh, bờ vùng còn xung yếu, tìm diệt tổ mối ẩn hoạ bờ kênh nhất là các đê ống của các trạm bơm tiêu ra sông ngoài. Hoàn thành khối lượng nạo vét, kiên cố hoá kênh mương, tu bổ đê Bắc Hưng Hải, thuỷ lợi nội đồng. Các công trình trọng điểm phải có phương án bảo vệ riêng. Thời gian thực hiện xong trước 31/5/2012.

13.2 Xây dựng phương án và thực hiện các biện pháp điều hành hệ thống công trình đảm bảo yêu cầu nước tưới và tiêu úng vụ mùa

- Việc điều hành, vận hành hệ thống công trình bảo đảm yêu cầu nước tưới và tiêu úng vụ mùa cần phải được tính toán, cân nhắc kỹ để giải quyết tốt mối quan hệ giữa lấy nước tưới với việc gạn tháo nước đệm phòng mưa úng bất thường có thể xẩy ra và đảm bảo an toàn cho công trình đê điều.

- Trong chỉ đạo chống úng phải giải quyết nhanh, kịp thời các tranh chấp giữa các địa phương, chống tư tưởng cục bộ. Nếu có tranh chấp giữa hai huyện thì Sở Nông nghiệp & PTNT chịu trách nhiệm giải quyết; tranh chấp giữa hai xã thì UBND huyện phải giải quyết; tranh chấp giữa hai thôn thì UBND xã phải giải quyết.

- Ban chỉ huy PCLB&TKCN các huyện phải xây dựng phương án phòng chống úng của địa phương mình thật cụ thể, đảm bảo từng vùng, từng trạm bơm đều có phương án, quy trình bơm phù hợp để khi tình huống xẩy ra chủ động vận hành phục vụ tưới, tiêu có hiệu quả. Riêng Ban chỉ huy PCLB&TKCN thành phố Hải Dương phải có phương án chống úng ngập khu vực nội đô.

- Sở Nông nghiệp & PTNT (Tiểu ban hậu phương) chịu trách nhiệm hướng dẫn các địa phương và xét duyệt các phương án hậu phương và phương án chống úng của các huyện xong trước 15/5/2012.

14. Xây dựng và tổ chức thực hiện tốt phương án hậu phương

14.1. Kế hoạch hậu phương phòng chống lụt bão

- Các huyện phải thành lập Tiểu ban hậu phương phòng chống lụt, bão úng. Tiểu ban này giúp Ban chỉ huy PCLB&TKCN huyện xây dựng kế hoạch, phương án và tổ chức triển khai chuẩn bị các mặt trước mùa mưa bão; hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng kế hoạch hậu phương của mình và tổ chức thực hiện các phương án hậu phương khi tình huống lũ bão xẩy ra.

- Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu cho Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh tổ chức hoạt động của Tiểu ban hậu phương, có trách nhiệm xây dựng, thực hiện phương án hậu phương PCLB của tỉnh và chỉ đạo các huyện thực hiện.

14.2. Phương án khắc phục hậu quả do bão, lụt, úng xẩy ra

- Đối với vùng bị bão lụt:

+ Làm tốt công tác bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể, của nhân dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ngăn chặn kịp thời và xử lý các hành vi phá hoại, trộm cắp...

+ Nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân; làm tốt công tác phòng dịch cho người và gia súc, đảm bảo vệ sinh môi trường sau bão, lụt.

+ Tổ chức tốt việc tiếp nhận, vận chuyển, quản lý và phân phát hàng cứu trợ đảm bảo đúng đối tượng; chăm sóc hỗ trợ cho người bị nạn chú ý quan tâm đến các hộ nghèo, gia đình chính sách, kiên quyết không để dân bị đói.

+ Sau bão tan, nước rút khẩn trương phục hồi sản xuất, có phương án phòng chống sâu bệnh để đạt năng xuất cao.

- Đối với vùng không bị bão lụt:

Tăng cường sản xuất và sẵn sàng chi viện cho những vùng bị thiệt hại do lũ bão gây ra. Nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, trợ giúp sức người, sức của và các loại vật tư, giống cây, giống con thiết yếu cho vùng bị bão lụt gặp khó khăn sớm khôi phục sản xuất và ổn định đời sống.

15. Nhiệm vụ các cấp, các ngành

15.1. Các đồng chí thành viên Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh

Theo địa bàn và nhiệm vụ được phân công phải kiểm tra đôn đốc các địa phương thực hiện việc chuẩn bị các mặt xong trước mùa mưa bão theo Kế hoạch phòng chống lụt bão, úng của Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh và chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện trong suốt mùa mưa bão. Trong chỉ đạo đặc biệt chú ý công tác tuần tra canh gác đê, việc thực hiện "bốn tại chỗ" và xử lý các vi phạm Luật đê điều, Pháp lệnh Phòng chống lụt bão trên địa bàn.

15.2. Chủ tịch UBND cấp huyện

- Bám sát kế hoạch PCLB, úng của tỉnh, chỉ đạo Ban chỉ huy PCLB & TKCN huyện xây dựng kế hoạch PCLB, úng, phương án hậu phương, phương án TKCN phù hợp với điều kiện và thế mạnh của địa phương mình. Kiểm tra, đôn đốc các xã, phường, thị trấn, các ngành của huyện thực hiện nghiêm túc kế hoạch, phương án của địa phương và các chỉ đạo của Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh; phối hợp chặt chẽ với lực lượng quân đội tăng cường khi có tình huống lũ bão phức tạp xảy ra; chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, Sở Kế hoạch và đầu tư, Ban quản lý các khu công nghiệp hướng dẫn các doanh nghiệp đóng trên địa bàn xây dựng kế hoạch PCLB, TKCN, phương án hậu phương để tổ chức thực hiện trong mùa lũ, bão.

- Phân định chi tiết gianh giới và giao trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên của Ban chỉ huy PCLB & TKCN huyện, xã, không để một đoạn đê nào không có người chịu trách nhiệm.

- Kiểm tra kỹ tất cả các điểm dân cư ngoài đê (trong và ngoài bối), phối hợp chặt chẽ với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh xây dựng phương án bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân ở khu vực này trong mùa lũ kể cả khi xảy ra tình huống vỡ bối hoặc phải tháo nước vào bối.

- Kiểm tra, xử lý nghiêm và chịu trách nhiệm đối với tất cả các vi phạm Luật đê điều, Pháp lệnh PCLB, Pháp lệnh khai thác, bảo vệ công trình thuỷ lợi trên địa bàn.

15.3. Sở Nông nghiệp và PTNT

Trực tiếp là cơ quan thường trực Tiểu ban hậu phương có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, xét duyệt phương án và tổ chức thực hiện kế hoạch PCLB, phương án hậu phương, kế hoạch phòng chống úng, các phương án bảo vệ trọng điểm... Cân đối các loại vật tư giống mạ dự phòng cho phương án phục hồi sản xuất; chuẩn bị phương tiện máy móc sẵn sàng cơ động phục vụ cho chống úng cục bộ; chỉ đạo các huyện quản lý chặt chẽ các kho hoá chất, kho thuốc Bảo vệ thực vật đề phòng úng lụt xảy ra; đảm bảo an toàn môi trường và có kế hoạch hướng dẫn các địa phương dự trữ lương thực để cứu trợ các hộ dân ở vùng bị ngập lụt. Có kế hoạch chuẩn bị giống cây trồng và thuốc dự phòng, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các bệnh dịch có thể xảy ra đối với gia súc, cây trồng. Phối hợp với Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương để điều độ phân phối điện cho tiêu nước đệm và tiêu úng theo kế hoạch. Kiểm tra, đôn đốc UBND các huyện xử lý các vi phạm về đê điều, công trình thuỷ lợi trên địa bàn. Thường xuyên báo cáo mọi diễn biến tình hình và kết quả về UBND tỉnh và Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh để kịp thời chỉ đạo, giải quyết.

- Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh: Kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình, xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm đối với hệ thống công trình do đơn vị quản lý và kế hoạch, phương án phòng chống úng trong đó đặc biệt chú ý các cống lớn nằm trên đê sông ngoài như sông Hương, Bằng Lai... Chuẩn bị phương tiện, máy móc sẵn sàng cơ động phục vụ chống úng cục bộ. Tổ chức thực hiện phương án phòng chống úng trong suốt mùa mưa bão.

- Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải: Kiểm tra, đánh giá chất lượng và thực hiện phương án bảo vệ đê Bắc Hưng Hải, cống An Thổ, Cầu Xe, Âu thuyền Cầu Cất, cống xả trạm bơm My Động.

15.4. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh

Trực tiếp là cơ quan thường trực của Tiểu ban Tìm kiếm cứu nạn, chủ động xây dựng phương án chuẩn bị về lực lượng, trang bị, phương tiện sẵn sàng huy động lực lượng bộ đội thường trực, Dân quân tự vệ và Dự bị động viên trong tỉnh làm nhiệm vụ ứng cứu đê, tìm kiếm cứu nạn. Hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị bộ đội của Quân Khu III, Bộ quốc phòng, sẵn sàng triển khai các phương án bảo vệ trọng điểm. Báo cáo Quân Khu và Bộ quốc phòng chi viện lực lượng và phương tiện hỗ trợ khi xảy ra tình huống khẩn cấp giúp địa phương trong thực hiện phòng, chống, khắc phục hậu quả, tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống nghiêm trọng hoặc thảm hoạ xảy ra.

15.5. Sở Thông tin và truyền thông

Chỉ đạo Bưu điện tỉnh, các Công ty viễn thông làm tốt công tác kiểm tra toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc phục vụ chống lụt, bão, úng; Thay thế dây cũ, lắp đặt điện thoại ở các điểm chống lụt theo yêu cầu của Ban chỉ huy PCLB tỉnh; qui định chế độ ưu tiên về thông tin, truyền tin, các dịch vụ bưu chính phục vụ chống lụt, bão đảm bảo nhanh chóng, an toàn, chính xác, thông suốt trong mọi tình huống, đặc biệt khi có bão; xây dựng phương án dự phòng đảm bảo thông tin liên lạc cho tình huống xấu nhất (vỡ đê) có thể xảy ra. Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến Pháp luật về đê điều, kiến thức phòng chống giảm nhẹ thiên tai tới cộng đồng.

15.6. Trung tâm khí tượng thuỷ văn tỉnh

Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ bão từ xa; nâng cao độ chính xác trong dự báo; báo cáo kịp thời tình trạng mưa, bão, lũ giúp lãnh đạo tỉnh, các cấp, các ngành chủ động chỉ huy, chỉ đạo phòng chống lụt bão có kết quả; có chế độ thông tin đặc biệt khi có tình huống lũ, bão khẩn cấp xảy ra.

15.7. Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương

Có trách nhiệm sửa chữa đường dây tải điện và biến thế, hướng dẫn các địa phương tổ chức phát quang hành lang bảo vệ đường dây tải điện, cung cấp điện đảm bảo số lượng và chất lượng. Có chế độ cấp điện ưu tiên cho công tác PCLB, TKCN và các vùng úng trọng điểm để tiêu nhanh. Bố trí lực lượng thường trực, trực ban để sửa chữa, thay thế kịp thời đường dây và các máy biến thế khi có sự cố đặc biệt khi có bão. Chuẩn bị cơ sở vật chất, biến thế, thiết bị, phụ tùng dự phòng phù hợp với yêu cầu của công tác PCLB, úng.

15.8. Sở Kế hoạch và đầu tư

Nắm chắc vật tư, phương tiện, thiết bị của tất cả các ngành, ban quản lý các khu công nghiệp, các doanh nghiệp, các hợp tác xã dịch vụ, nhà máy đóng trên địa bàn và chịu trách nhiệm huy động theo lệnh điều động đến vị trí có yêu cầu sử dụng được nhanh nhất, kịp thời phục vụ xử lý ứng cứu đê.

15.9. Sở Công thương

Ngoài việc xây dựng kế hoạch PCLB của ngành phải nắm chắc số lượng các doanh nghiệp đóng trên địa bàn; phối hợp với UBND các huyện, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra công tác xây dựng kế hoạch PCLB và các phương án bảo vệ đơn vị tại chỗ, phương án phối hợp ứng cứu của các doanh nghiệp khi có yêu cầu đột xuất của công tác PCLB, TKCN. Lập kế hoạch, cung ứng một số mặt hàng thiết yếu phục vụ công tác chống lụt bão thường xuyên và đột xuất theo yêu cầu.

15.10. Sở Tài chính

Có kế hoạch ưu tiên giải quyết kịp thời các kinh phí chi thường xuyên và đột xuất phục vụ phòng chống lụt bão, đặc biệt khi có các sự cố đê điều phải xử lý ứng cứu.

15.11. Công an tỉnh

Có phương án bảo vệ trật tự an ninh trong tỉnh nhất là khi có tình huống lũ bão khẩn cấp và chú ý phương án bảo vệ các công trình trọng điểm, đồng thời bố trí lực lượng, phương tiện của ngành sẵn sàng giúp các địa phương sơ tán người và tài sản, khắc phục hậu quả lụt bão. Tổ chức tập huấn cho lực lượng cảnh sát bảo vệ, cảnh sát đường thuỷ bảo vệ các công trình trọng điểm và tham gia tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả do lụt bão gây ra. Phối hợp với các địa phương giải toả các vi phạm đê điều, hành lang thoát lũ.

15.12. Thanh tra Nhà nước tỉnh

Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thi hành Luật đê điều, Pháp lệnh PCLB, kiểm tra vật tư dự trữ PCLB và việc thực hiện "bốn tại chỗ" của các huyện.

15.13. Sở Y tế

Chuẩn bị thuốc dự phòng, phương tiện cấp cứu và cán bộ y tế để chăm sóc bảo vệ sức khoẻ ban đầu cho nhân dân trong mùa lũ, bão; phát hiện và ngăn chặn kịp thời các bệnh dịch. Tổ chức một số đội y tế xung kích với biên chế, phương tiện, thiết bị và cơ số thuốc phù hợp sẵn sàng nhận nhiệm vụ đột xuất khi được điều động phục vụ ứng cứu đê, cấp cứu người bị nạn, khắc phục hậu quả sau bão, lũ. Chỉ đạo các phòng, trung tâm y tế, bệnh viện các huyện tổ chức các đội y tế xung kích để phục vụ công tác PCLB trên địa bàn.

15.14. Sở Giao thông vận tải

Có trách nhiệm giải toả giao thông sau khi bão vào; đảm bảo an toàn giao thông trong suốt mùa mưa bão. Chuẩn bị phương tiện vượt sông ở các bến phà, đặc biệt chú ý đảm bảo giao thông để nối liên lạc với các vùng giao thông còn khó khăn. Có kế hoạch bố trí phương tiện vận tải của ngành và của đơn vị vận tải khác trong tỉnh sẵn sàng huy động phục vụ ứng cứu đê khi có sự cố.

15.15. Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh, Báo Hải Dương, các cơ quan thông tin đại chúng các cấp

Có biện pháp đẩy mạnh tuyên truyền, truyền tin, phổ biến thường xuyên với nhiều hình thức phù hợp về chủ trương chỉ đạo, kế hoạch, biện pháp, tình hình PCLB, úng, các thông tin dự báo, thời tiết, thuỷ văn, công tác xử lý vi phạm đê điều, công trình thuỷ lợi và hướng dẫn nhân dân biện pháp phòng tránh.

15.16. Sở Lao động Thương binh và Xã hội

Nắm chắc lực lượng lao động của các địa phương, các cơ quan, đơn vị, các trường chuyên nghiệp đóng trên địa bàn để chủ động huy động nhân lực phục vụ ứng cứu đê khi có yêu cầu. Chủ trì cùng các ngành, các địa phương tổ chức khắc phục hậu quả, cứu trợ xã hội...

15.17. Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch

Tổ chức ít nhất 2 đội bơi lặn để phục vụ công tác PCLB, TKCN khi xảy ra sự cố vỡ bối, vỡ đê. Thực hiện việc tuyên truyền về công tác PCLB, giảm nhẹ thiên tai; truyên truyền, phổ biến việc thực hiện Luật đê điều và Pháp lệnh PCLB.

15.18. Sở Tài nguyên và Môi trường

Chịu trách nhiệm giải quyết các thủ tục về đất đai khi phải sử dụng đất để xử lý các sự cố về đê điều, tổ chức các đội xung kích để xử lý môi trường sau úng lụt. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND các huyện xử lý nghiêm nạn khai thác cát trái phép trên các tuyến sông.

15.19. Hội chữ thập đỏ tỉnh

Chỉ đạo Hội chữ thập đỏ của các huyện nắm chắc các đội, số hội viên sẵn sàng tham gia vào công tác cứu trợ, cấp cứu người bị nạn do lũ, bão gây ra. Tổ chức tiếp nhận, quản lý, vận chuyển, phân phối hàng cứu trợ đảm bảo đúng đối tượng. Vận động nhân dân tham gia đóng góp ủng hộ cho các vùng bị bão lụt.

15.20. Các ngành khác

Tuỳ theo chức năng của mình có kế hoạch phòng chống lụt bão cụ thể để chủ động đối phó với lũ, bão và chi viện cho các đơn vị khác khi có yêu cầu.

15.21. Văn phòng Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh

Ngoài nhiệm vụ thường xuyên do Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh giao, khi có sự cố về đê điều phải lập phương án xử lý (kể cả thiết kế kỹ thuật) trình UBND tỉnh hoặc Ban chỉ huy PCLB &TKCN tỉnh duyệt để thực hiện. Việc xử lý phải quán triệt thật tốt phương châm "bốn tại chỗ", chủ yếu giao cho Ban chỉ huy PCLB & TKCN các huyện và các lực lượng tăng cường thực hiện. Khi cần phải huy động lực lượng quân đội, các đơn vị, công ty, xí nghiệp trong tỉnh tham gia xử lý ứng cứu và làm chủ đầu tư, chịu trách nhiệm giám sát, nghiệm thu thanh toán các công trình xử lý khẩn cấp theo quy định./.

Bùi Đình Hoan

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT

Uỷ viên thường trực Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh

Các tin mới hơn
Danh sách cơ sở buôn bán giống cây trồng(07/11/2023)
Phòng trị bệnh ngoại ký sinh trùng trên thủy sản nuôi(08/11/2022)
Kết quả quan trắc đột xuất cá nuôi lồng tại Nam Sách(11/11/2021)
Hải Dương: Cần có các giải pháp để Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030(27/07/2021)
Tăng cường quản lý nuôi trồng thủy sản trong điều kiện nắng nóng năm 2021(10/06/2021)
Các tin cũ hơn
KẾ HOẠCH SẢN XUẤT VỤ MÙA 2012 VÀ VỤ ĐÔNG 2012 - 2013(30/09/2020)
Tiến độ sản xuất nông nghiệp đến ngày 25/07/2012(30/09/2020)
CÔNG TÁC CHUẨN BỊ VẬT TƯ, PHƯƠNG ÁN PHÒNG CHỐNG ÚNG VÀ KHẮC PHỤC HẬU QUẢ DO BÃO, LŨ, ÚNG GÂY RA VỤ MÙA NĂM 2012(30/09/2020)
Giấy mời tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn quy trình, cách thức rà soát quy định, thủ tục hành chính theo phương pháp sơ đồ hoá(30/09/2020)
Cần thiết phải xử lý lộc đông và chăm sóc vải theo đúng quy trình kỹ thuật(30/09/2020)
Phóng Sự Nông Thôn Mới
na
Phóng sự Ảnh
Trang tin đơn vị
Hệ thống văn bản
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín